Tác hại khi trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng

Vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để trẻ phát triển về thể chất lẫn trí tuệ, phòng chống bệnh tật. Do đó, thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Vi chất dinh dưỡng được chia làm 2 nhóm như sau:

  • Khoáng chất: Bao gồm sắt, kẽm, canxi, phốt pho, đồng, iod, selen,…
  • Vitamin: Vitamin A, C, E, D, B,…

Đối với trẻ em, vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để trẻ phát triển về cả thể chất lẫn trí tuệ và giúp trẻ khỏe mạnh, phòng chống bệnh tật. Cơ thể trẻ không thể tự tổng hợp được các vi chất dinh dưỡng mà phải bổ sung từ khẩu phần ăn hàng ngày.

1. Thiếu vi chất là gì?

Thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em là tình trạng trẻ thiếu hụt những khoáng chất và vitamin quan trọng đối với sức khỏe, xảy ra trên phạm vi cộng đồng, thường là vitamin A, iod, sắt, kẽm, axit folic.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, như do yếu tố địa lý vùng miền, chế độ ăn chủ yếu là thực vật, trẻ không nhận đủ khoáng chất và vitamin trong khẩu phần ăn hàng ngày, đặc biệt là trong một số giai đoạn trẻ cần phát triển vượt trội như giai đoạn bào thai, từ sơ sinh đến 5 tuổi, trước và trong giai đoạn dậy thì,…

tac-hai-khi-tre-thieu-vi-chat-dinh-duong-1

Thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em là tình trạng trẻ thiếu hụt các vitamin và khoáng chất quan trọng

2. Tác hại của việc thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em

Thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em có thể gây ra những tác hại sau:

  • Thiếu máu: Thiếu sắt do thiếu máu là một trong những tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng thường gặp ở trẻ. Thiếu máu có thể khiến trẻ hay buồn ngủ, kém tập trung, chậm phát triển về thể chất lẫn trí tuệ. Trẻ bị thiếu máu nặng có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn. Ở giai đoạn bào thai, nếu người mẹ không cung cấp đủ sắt cho chính mình và thai nhi thì có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị dị tật ống thần kinh bẩm sinh hoặc sinh non.
  • Còi xương: Thiếu vitamin D và canxi dẫn đến còi xương ở trẻ rất phổ biến và có thể ảnh hưởng đến giai đoạn trưởng thành, gây bệnh loãng xương.
  • Bướu cổ: Thiếu iot dẫn đến bướu cổ cũng là tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng thường gặp. Ở giai đoạn bào thai, nếu người mẹ không cung cấp đủ iot có thể làm tăng nguy cơ sinh non, sảy thai hoặc thai chết lưu. Trẻ sau khi sinh thiếu iod trong thời gian dài có nguy cơ bị khuyết tật về tay, chân, tai, mắt, miệng, tổn thương não, đần độn, chậm phát triển trí tuệ và thể chất.
  • Suy dinh dưỡng, suy giảm sức đề kháng Thiếu kẽm dẫn đến suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng thường gặp. Thiếu kẽm khiến trẻ còi cọc, chậm phát triển do biếng ăn, suy giảm sức đề kháng, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh cấp tính và mãn tính. Ở giai đoạn bào thai, trẻ bị thiếu kẽm làm tăng nguy cơ nhẹ cân và thấp lùn sau khi sinh. Lớn lên, trẻ có thể chậm dậy thì, chậm phát triển xương.
  • Các bệnh về mắt: Thiếu vitamin A là bệnh thiếu vi chất ở trẻ sơ sinh thường gặp. Thiếu vitamin A có thể dẫn đến các bệnh về mắt như mù lòa, quáng gà. Ngoài ra, thiếu vitamin A cũng ảnh hưởng đến sự phát triển, tăng trưởng về cân nặng, chiều cao, khả năng miễn dịch của trẻ, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa như tiêu chảy, đường hô hấp.
Còi xương

Một trong những tác hại khi trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng đó là còi xương do thiếu hụt vitamin D và canxi

3. Phòng ngừa tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em

Để phòng ngừa tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, nên bắt đầu từ giai đoạn bào thai bằng việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho mẹ và thai nhi. Sau khi sinh, trong 6 tháng đầu đời trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn và mẹ cần chú ý ăn uống đầy đủ các loại thực phẩm, thuốc bổ tổng hợp để cung cấp cho trẻ nguồn sữa mẹ giàu dưỡng chất.

Từ 6 tháng tuổi, trẻ được ăn dặm để bổ sung nguồn vi chất dinh dưỡng bên cạnh sữa mẹ. Khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ cần phải đảm bảo 4 nhóm chất chính, đó là tinh bột, đạm, đường và béo. Thực đơn cần được thay đổi đa dạng để đáp ứng nhu cầu cũng như phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em.

Tóm lại, thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em có thể gây thiếu máu do thiếu sắt, còi xương do thiếu vitamin D và canxi, bướu cổ do thiếu iod, suy dinh dưỡng và suy giảm đề kháng do thiếu kẽm cũng như các bệnh về mắt do thiếu vitamin A. Vì vậy, khi có các dấu hiệu thiếu vi chất ở trẻ, phụ huynh nên đưa bé đến cơ sở y tế để thăm khám, tư vấn cụ thể.

Chế độ dinh dưỡng của trẻ vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,… 

Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.